Con người quan tâm đến rất nhiều thứ, nghiên cứu tìm hiểu khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau của thế giới thực tại, tìm cầu nhiều thứ khác nhau nhưng xét cho cùng thì đời sống nhân loại chỉ xoay quanh hai chữ SƯỚNG KHỔ hay nói văn vẻ là đời sống nhân loại chỉ xoay quanh Hạnh phúc và Khổ đau. Mục đích cuối cùng, tối hậu mà một người bình thường, một nhà khoa học hay các tôn giáo đang phấn đấu nỗ lực để đạt được là Hết Khổ Được Vui, hết khổ đau được hạnh phúc. Cảm nhận Hạnh phúc và Khổ đau thì ai ai cũng cảm nhận được dù ngu hay trí, hễ các giác quan còn lành lặn thì sẽ cảm nhận được hạnh phúc và khổ đau, không cần phải học hỏi nghiên cứu, không cần ai chỉ dạy. Nhưng HIỂU BIẾT về hạnh phúc và khổ đau thì lại khác, có hai loại HIỂU BIẾT. Một là HIỂU BIẾT SAI SỰ THẬT của phàm phu, của nhân loại, hai là HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT của Phật, của những người giác ngộ hoặc đang trên đường đi đến giác ngộ.
[embed]https://youtu.be/4ow8VSOMRVU[/embed]
* Một là Hiểu Biết Sai Sự Thật về Khổ Vui : Phàm phu cho rằng Hạnh phúc sẵn có, luôn luôn có trong thế giới vật chất, thường hằng thường trú trong thế giới vật chất. Cụ thể là Hạnh phúc sẵn có, luôn luôn có trong Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái, sẵn có luôn luôn có trong những hoàn cảnh sống tốt đẹp như khoẻ mạnh, xinh đẹp, giàu có, thành đạt, nổi tiếng. Hễ ai làm chủ, sở hữu được những hoàn cảnh sống tốt đẹp đó là người đó vĩnh viễn hạnh phúc, lúc đó đau khổ sẽ chấm dứt, sẽ biến mất vĩnh viễn. Vì hiểu biết như vậy mà con người suốt đời đi tìm kiếm hạnh phúc trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái ... để chấm dứt khổ, để hết khổ được vui. Con người suốt đời phấn đấu nỗ lực tìm cầu hạnh phúc để hết khổ được vui, tuy tìm cầu cũng đạt được rất nhiều niềm vui hạnh phúc, nhưng kết quả cuối cùng chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi chứ không đạt được mục đích hết khổ được vui như mong muốn. Vì sao vậy? Vì hiểu biết hạnh phúc và khổ sau như vậy là sai sự thật, không đúng với sự thật thực tại đang xẩy ra.
* Hai là Hiểu Biết Đúng Như Thật về Khổ Vui : Đối với phàm phu khi thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng thực tại bằng tâm biết trực tiếp giác quan, xẩy ra nơi các giác quan. Đó là sự ghi nhận hay nhận biết đối tượng mà nói theo ngôn ngữ khoa học thông tin là ghi nhận hoặc tiếp nhận thông tin về đối tượng. Tâm biết ý thức xẩy ra nơi tế bào thần kinh não bộ có nhiệm vụ xử lý các thông tin đó nên hiểu biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Do tâm biết ý thức biết đối tượng đó là cái gì tính chất ra sao mà sẽ phát sinh thích hoặc ghét đối tượng. Do thích hoặc ghét đối tượng mà sẽ có Vui hoặc Khổ với đối tượng. Quá trình xẩy ra, phát sinh thích ghét, khổ vui với đối tượng xẩy ra nơi tế bào thần kinh não bộ và cụ thể là do tương tác giữa các loại thông tin trong bộ nhớ tâm thức, không phải xẩy ra nơi các đối tượng thực tại. Các loại thông tin THÍCH GHÉT phát sinh nơi não bộ được truyền dẫn xuống các tế bào nội tạng như tim phổi gan thận, ruột non, ruột già ... và tại đấy xẩy ra sự tương tác các loại thông tin Thích Ghét với thông tin di truyền của các tế bào làm phát sinh CẢM GIÁC khổ vui xẩy ra nơi thân, chủ yếu ở vùng nội tạng. Con người cảm nhận Hạnh phúc hay Khổ đau là cảm nhận các CẢM GIÁC khổ vui này mà thuật ngữ Phật học gọi là CẢM THỌ.
Vì vậy, Hạnh phúc, Khổ đau là các Cảm giác hay Cảm thọ, phát sinh do tương tác thông tin, nó thuộc Tâm ( tinh thần ) chứ không phải Cảnh vật, không phải thế giới ( vật chất ), nó vô thường ( sinh lên rồi diệt ), nó vô chủ sở hữu ( nghĩa là không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển được nó ).
Vì không hiểu biết đúng như thật về Hạnh phúc, Khổ đau, vì bị hiểu biết sai sự thật về hạnh phúc khổ đau chi phối, phàm phu tham ái, tìm cầu hạnh phúc chỗ này chỗ kia ( Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái ) mà thực chất là đi đuổi bắt các CẢM GIÁC DỄ CHỊU hay LẠC THỌ đang sinh lên rồi diệt đi liên tục. Suốt đời từ khi sinh ra cho đến khi chết liên tục lao tâm khổ trí, cố sức chạy theo, đuổi bắt các Cảm giác do 6 giác quan tương tác với 6 cảnh trần mà phát sinh, đuổi bắt cái không thể đuổi bắt, nắm giữ cái không thể nắm giữ, làm chủ cái không thể làm chủ, sở hữu cái không thể sở hữu. Và kết quả là chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác, không bao giờ có được trạng thái hết khổ còn vui như mong muốn. Vì sao ? Tại vì con người tuy vẩn cảm nhận được hạnh phúc nhưng vì hiểu biết sai, cho rằng nó là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái thuộc về thế giới vật chất, có thể nắm giữ, sở hữu, điều khiển được, nên tranh chấp, tranh đoạt, tranh cướp, giành dật nhau gây cho nhau biết bao đau khổ, thống khổ trong cuộc đời này. Thuật ngữ Phật học gọi loại hạnh phúc này là Dục Lạc, là Phàm phu lạc, Ô uế lạc, Bất tịnh lạc, bản chất nó là vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn.
* Nếu một người do nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển mà có được hiểu biết đúng như thật các sự vật hiện tượng trong đó có hạnh phúc và khổ đau, thì hiểu biết đó gọi là Văn Tuệ, vị đó sẽ tư duy về điều đã học để có Tư Tuệ. Văn Tuệ, Tư Tuệ đó là công cụ để tu tập Bát Chánh Đạo. Khi vị đó tu tập Bát Chánh Đạo có nghĩa là : Bất kỳ một Cảm thọ nào khởi lên, cho dù Lạc thọ, Khổ thọ hay Bất khổ bất lạc thọ, vị ấy quán sát tính chất Vô thường, tính chất Ly tham, tính chất Đoạn diệt, tính chất Xả ly nơi Cảm thọ đó. Do quán sát tính chất Vô thường, tính chất Ly tham, tính chất Đoạn diệt, tính chất Xả ly đối với các đối tượng thực tại là Cảm thọ nên không Thích Ghét bất kỳ một cái gì ở trên đời. Do không Thích Ghét nên không có Khổ Vui với bất kỳ đối tượng nào, không có Khổ Vui với bất kỳ hoàn cảnh nào. Vị ấy thấy biết như thật, thân chứng KHÔNG CÓ CẢ KHỔ LẪN VUI với bất kỳ đối tượng nào. Đó gọi là Tuệ tri Khổ Diệt hay Tuệ tri Niết bàn.
Tuy lộ trình tâm của một vị hữu học hay vô học Tuệ tri Niết bàn theo hai kiểu Niết bàn theo nghĩa nhiếp phục hay Niết bàn theo nghĩa đoạn tận nhưng lộ trình tâm đều là Bát Chánh Đạo siêu thế có tám chi phần tuỳ tình huống cụ thể nhưng bao giờ cũng có 3 chi phần thuộc nhóm Định gồm : Chánh niệm - Chánh tinh tấn - Chánh định mà tiếng Việt là: Trí nhớ chánh - Tích cực chánh - Chú tâm chánh. Chánh định với sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sẽ có hỷ lạc của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, có hiện tại lạc trú của tứ thiền và Tích cực chánh là tâm hành phấn khởi. Nhóm Định trong Bát Chánh Đạo siêu thế có tích cực, hỷ, lạc mà tiếng Việt là TÍCH CỰC, VUI, THOẢI MÁI cũng là Hạnh phúc nhưng là hạnh phúc phát sinh từ nội tâm, không phải từ thế giới ngoại cảnh. Thuật ngữ Phật học gọi đây là Lạc nhưng không phải là Dục lạc vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Lạc này không tốn kém, không lao tâm khổ trí, không tranh đấu, không tranh giành, không nguy hiểm, vô hại chỉ cần Chánh niệm liên tục thì nội tâm sẽ phát sinh, nên được gọi là Thánh lạc, Chánh giác lạc, An tịnh lạc. Chính vì thế mà Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên sẽ thân chứng được HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI như mong muốn của nhân loại. Nhưng loại vui này, loại Hạnh phúc này khởi lên từ nội tâm khác hẳn với Hạnh phúc của kẻ phàm phu là Dục lạc, là thứ Hạnh phúc khởi lên từ thế giới ngoại cảnh.